Trong đời sống, chúng ta thường bắt gặp những thành ngữ như: Giấc Nam Kha, Tây Thi, Nguyệt Lão, Liễu Chương Ðài ... hoặc Prômêtê, Gót Asin, Hồng Thủy ... hoặc Tú Bà, Chí Phèo, Xuân Tóc Ðỏ ... Ðó là những Ðiển tích, lấy trong văn hóa cổ, kim của Trung Quốc, phương Tây, Việt Nam, thường là những tên người, tên đất, những hình tượng văn học trong thần thoại, truyền thuyết, văn học, lịch sử ..., đầy tính thơ ca và chứa đựng biết bao ý nghĩa sâu xa.
Với mong muốn làm phong phú thêm vốn sống của bạn đọc, góp phần nhỏ bé nâng cao trình độ hiểu biết văn hóa nhân loại, chuyên mục "Ðiển tích Văn học" của NetCodo ra đời với mục đích ấy. Hàng tuần, vào ngày thứ Bảy, mời các bạn đến với chuyên mục của chúng tôi!
VỌNG Phu
Ai đến Khánh Hoà, miền Trung Việt nam đều say sưa với cảnh một nhóm núi rừng hùng vĩ. Hòn Vọng Phu vươn lên cao, là một khối đá hoa cương khổng lồ, bên cạnh một khối đá khác nhỏ hơn. Từ xa, nhìn hai khối đá ấy, người ta thấy hình một người mẹ bồng đứa con nhìn về biển xa, như chờ đợi, ngóng trông. Dân gian kể chuyện núi Vọng Phu như sau:
Ngày xửa ngày xưa, hai vợ chồng một bác tiều phu hiếm hoi, thiếu trẻ trong nhà, gia đình như vắng vẻ, vườn cây như xơ xác. May thay, khi bà vợ đứng tuổi, bà sinh một bé gái, rồi năm sau sinh một bé trai. Gia đình bác tiều phu vui hẳn lên. Trong nhà, ngoài vườn, chỗ nào cũng in bóng hai chị em đùa nghịch, nói cười. Một hôm, hai vợ chồng bác vào rừng xa kiếm củi, hái nấm để hai chị em ở nhà trông nhau. Em trai khóc, chị ra vườn chặt mía vào róc cho em ăn. Cậu bé đòi dao của chị, róc mía lấy không khiến chị. Sợ em chặt phải tay, chị không đưa, cậu em nổi cáu, giằng lấy dao, chém một nhát vào đầu chị, máu chảy lênh láng trên mặt cô bé. Sợ quá, em trai bỏ chạy ra ngõ rồi cứ thế chạy mãi, qua đầu làng, ra cánh đồng, chạy vào rừng. Hai bác tiều phu về thấy con gái thiêm thiếp ngủ, máu trên mặt đã khô, vội đi tìm thầy lang đắp thuốc. Cô chị khỏi, chỉ còn vết sẹo dài trên đầu. Nhưng cậu em trai không bao giờ trở về. Từ đó, gia đình bác tiều phu buồn thảm. Chẳng bao lâu hai bác qua đời, để lại đứa con gái bơ vơ. Cô lang thang đi làm thuê, ở đợ.
Thời gian chậm chạp
trôi, năm này rồi năm khác. Cậu bé đã thành một chàng thanh niên khoẻ
mạnh, tháo vát. Trước kia, cậu theo một nhà buôn ra biển, dần dần học được
nghề buôn, nay đã có một số vốn kha khá, song chàng không nguôi nhớ cha mẹ,
nhớ chị. Chàng trở về làng, biết tin cha mẹ không còn nữa và chị đi đâu,
không ai biết. Không thể ở lại mảnh đất gợi bao đau khổ, chàng sang một
làng xa, sinh cơ lập nghiệp. Chàng gặp một cô gái mồ côi xinh xắn, hiền hậu,
làm ăn thật giỏi. Hai người thương yêu nhau, thành vợ thành chồng. Một năm
sau, nàng sinh một đứa con trai rất kháu khỉnh. Một hôm, tình cờ chàng nhìn
vợ hong tóc ở ngoài sân, bỗng thấy vết sẹo dài trên đầu. Chàng hỏi vợ:
- Vì sao mình có cái sẹo trên đầu thế?
Cô vợ giàn giụa nước mắt kể lại tấn
bi kịch ngày nhỏ. Nàng nức nở khóc. Nàng thương nhớ cha mẹ, thương em nay
không biết sống chết ra sao. Người chồng càng nghe càng run rẩy, sợ hãi, song
cố giữ cơn xúc động. Chàng chết lặng người, biết vợ mình là chị ruột
chàng. Sáng sớm hôm sau, chàng từ biệt vợ con, nói đi một chuyến vượt biển
vào Nam. Chàng không bao giờ trở về. Người vợ chờ mỏi mắt không thấy chồng
về. Nàng bế con ra bờ biển đứng ngóng chồng. Trăng tàn, trăng khuyết, nàng
hoá đá, thành đá Vọng Phu, tay bồng con nhỏ đứng trông chồng.
Ðá Vọng Phu, hay đá Trông chồng có nhiều ở Việt nam và Trung quốc.
Ðồng Ðăng có phố
Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Nàng Tô Thị là đá Vọng Phu của tỉnh Lạng sơn, nàng ôm con đứng chờ chồng đi lính phương xa không trở lại. Hòn Vọng Phu, sừng sững đau buồn, là một bi kịch về những cuộc chiến tranh liên miên, người chồng phải ra đi không bao giờ trở lại, để những người vợ khắc khoải chờ trông.
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn